UNG THƯ PHỔI
"Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại bệnh ung thư. Tuy nhiên đây lại là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, phát hiện sớm điều trị ."
Ung thư phổi hay còn gọi là ung thư phế quản là một bệnh lý ác tính phổ biến trên toàn thế giới, xuất độ cao các nước công nghiệp phát triển và có chiều hướng tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Theo công bố gánh nặng ung thư toàn cầu Globocal 2012 có 1,8 triệu trường hợp ung thư phổi mới được phát hiện trên thế giới, chiếm 12,9% tổng số các loại ung thư. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm 19,4% tổng số tử vong vì nguyên nhân ung thư.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. Khoảng 87% trường hợp ung thư phổi ở Hoa Kỳ có liên quan đến hút thuốc lá. Hút một gói thuốc mỗi ngày có nguy cơ ung thư phổi tăng 20 lần so với người không hút thuốc. Trên 4000 chất độc hại trông hắc ín của khói thuốc lá đã được phân lập, trong đó có những chất có thể gây đột biến DNA như hydrocacbon vòng thơm, các amin thơm, các nitrosamine đặc hiệu của thuốc lá. Số lượng DNA đột biến tỉ lệ thuận với số lượng thuốc hút. Ở người nghiện thuốc lá nặng số đột biến có thể đến 100 trên bộ gen của mỗi tế bào.
Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư phổi. Tại Hoa Kỳ ước tính rằng có khoảng 3000 trường hợp tử vong ung thư phổi mỗi năm là do khói thuốc lá. Những ca nhân sống trong gia đình có người hút thuốc tăng 30% tỷ lệ mắc ung thư thuốc lá so với người không hút thuốc lá.
Khoảng 15% ung thư phổi liên quan đến nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp với chất cách nhiệt thạch thiên( amiante/ asbestos), khí phóng xạ radon (môi trường hầm mỏ, nhà cửa), các loại hydrocacbon vòng thơm, acsenic, kim loại nặng (nickel, chrome…). Nếu cộng thêm yếu tố nguy cơ hút thuốc thì nguy cơ càng tăng lên, một phần do khói thuốc lá làm giảm hoạt động của các lông chuyển trên bề mặt tế bào khí phế quản nên các chất độc ít bị thải ra ngoài.
Human papilloma virus (HPV) có liên quan đến nguyên nhân gây ung thư phổi không tê bào nhỏ; gần 25% số trường hợp không hút thuốc lá có sự hiện diện của HPV. Nhiễm HPV 16/18 thường kết hợp với các đột biến gen p53.
Tiền sử gia đình cũng được coi là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Một số đột biến di truyền được đã được phát hiện, đặc biệt là đột biến T790M trên gen EGFR, có liên quan với ung thư biểu mô tuyến của phổi.
Theo hướng dẫn năm 2013 của mạng lưới quốc gia Hoa Kỳ toàn diện về ung thư (NCCN), tầm soát tiến hành hàng năm bằng CT-Scan liều thấp cho đối tượng có nguy cơ cao (từ 55 tuổi đến 74 tuổi) với tiền sử trong vòng 15 năm hút thuốc lá 30 năm gói/ năm hoặc 20 gói/năm và kèm theo một yếu tố nguy cơ khác ngoại trừ hút thuốc lá thụ động). Ngoài ra việc hút thuốc lá là một trong những chiến lược quan trọng không thể thiếu khi tư vấn sàng lọc.Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính theo giải phẫu bệnh: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ .
Ung thư tế bào nhỏ chiếm 20% số trường hợp, tế bào có nguồn gốc từ tế bào nội tiết, lâm sàng và đáp ứng điều trị khác với ung thư không tế bào nhỏ. Ung thư không tế bào nhỏ chiếm 80% các trường hợp.
Trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính yếu trường hợp giai đoạn sớm (I, II). Xạ trị đầu tiên được chỉ định cho trường hợp ung thư không tế bào nhỏ giai đoạn III, quá chỉ định phẫu thuật do tổng trạng kém. Nhưng cũng chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể phẫu thuật được. Trong số những bệnh nhân này tỉ lệ sống 5 năm bệnh không tái phát vào khoảng 30-35%. Đối với giai đoạn tiến triển được xạ trị triệt để, tỷ lệ sống 5 năm bệnh không tiến triển là 10-15%. Ở những bệnh nhân có thể trạng kém, sụt cân, nhiều triệu chứng lúc chẩn đoán thường có tiên lượng xấu, thời gian sống thêm ước lượng khoảng từ 5-7 tháng, dù có sử dụng xạ trị hay hóa trị.
Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại bướu có di căn xa rất nhanh, nhưng thường nhạy với hóa trị nên nguyên tắc xử trí thường là không phẫu thuật mà hóa trị là chính. Dù vậy tiên lượng sống còn h5 năm của nhóm bướu còn khu trú tại phổi cũng chỉ vào khoảng 20-25%, còn của nhóm bệnh lan tràn ra các cơ quan khác khoảng 5-10%.
Ung thư phổi là một bệnh năng, thường phát hiện khi bệnh đã tiến triển, 80-85% không còn mổ được, tiên lượng thường xấu. Các biện pháp tầm soát và phát hiện sớm ở các đối tượng có nguy cơ cao không khả thi và ít hiệu quả. Cách kiểm soát bệnh tốt nhất là phòng ngừa bệnh bằng cách không hút thuốc lá.