UNG THƯ DẠ DÀY

"Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào ung thư phát triển trong dạ dày, là một bệnh hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa, nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong các bệnh Ung thư."

 

UNG THU DẠ DÀY

 

"Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào ung thư phát triển trong dạ dày, là một bệnh hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa, nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong các bệnh Ung thư."

Theo công bố gánh nặng ung thư toàn cầu Globocan 2012, ung thư dạ dày chiếm 6,8% tổng số ung thư và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3. Người ta thấy có mối liên quan giữa bệnh với môi trường, chế độ dinh dưỡng và các vùng địa lý khác nhau. Trong khi ung thư dạ dày ít gặp ở Bắc Mỹ và châu Âu, thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thường xuyên đứng đầu.

Ung thư dạ dày thường hiện diện ở nam giới, tử suất cao xấp xỉ gấp đôi ở nam. Tần suất bệnh lý này gia tăng theo tuổi. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện bệnh vào giai đoạn trễ, kéo theo tiên lượng sống còn rất xấu. Từ năm 1999- 2006, chỉ có 23% bệnh nhân có ung thư dạ dày còn khu trú tại chỗ tại thời điểm chẩn đoán. Tỉ lệ sống còn tính chung cho tất cả các giai đoạn bệnh là 26%.

Nguy cơ mắc ung thư dạ dày gồm nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, thuốc lá, vi khuẩn HP, di truyền...

Chế độ dinh dưỡng: ung thư dạ dày liên quan đến chế độ ăn ít trái cây tươi, ít sinh tố. Thực phẩm được lưu trữ bằng tủ lạnh và tủ đông giúp mọi người có điều kiện ăn thực phẩm tươi hơn, giảm tiêu thụ các chất sinh ung như nitrat, nitrit có trong thực phẩm chế biến dạng muối (thịt muối, cá mặn… để ngăn ngừa nhiễm vi sinh vi nấm), giảm tiếp xúc hydrocacbon vòng trong thực phẩm xông khói. Nhờ vậy xuất độ ung thư dạ dày tại các nước phát triển đã giảm từ thập niên 1930 cho đến nay.

 

 

Hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ ung thư dạ dày,. Rượu tuy chưa được chứng minh nhưng cũng không nên lạm dụng.

Vi khuẩn Helicobacter pylori  được báo cáo có liên quan đến 40-50% nguy cơ ung thư dạ dày tuy nhiên việc làm sạch vi khuẩn này cũng chưa thấy làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhiễm H. pylori làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày không thuộc tâm vị lên 6 lần. H.pylori khởi phát quá trình viêm niêm mạc ở thân vị, dẫn đến teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột. Đây được xem là tổn thương tiền ung của ung thư dạ dày.

 

 

Bệnh nhân có tiền căn cắt dạ dày do bệnh lý viêm loét có gia tăng nguy cơ mắc ung thư ở mỏm cắt. Mất dạ dày làm giảm nguồn tiết dịch vị, làm tăng pH và gây chuyển sản ruột- tổn thương tiền ung thư, phổ biến ở vùng địa lý có xuất độ ung thư dạ dày cao.

Một số yếu tố có liên quan đến ung thư dạ dày khác bao gồm: người có nhóm máu A , thiếu máu ác tính kết hợp với teo niêm mạc dạ dày và thiếu hụt yếu tố nội tại, trào ngược dạ dày tá tràng, tiền căn gia đình có người mắc bệnh.

Bất thường gen: đột biến gen ức chế bướu TP53 chiếm 60% và bất thường gen APC ( Adenomatous Polyposis Coli) được tìm thấy trên 50% trường hợp. Khuếch đại và/ hoặc đột biến gen sinh ung như c-Ki-ras, HER2, c-myc có liên quan đến phát triển ung thư dạ dày. Khoảng 10% các trường hợp là biểu hiện của các hội chứng di truyền như bệnh polyp tuyến gia đình, ung thư đại tràng di truyền không phải đa polyp, hội chứng Peuzt- Jeghers.

Việc tầm soát ung thư dạ dày chỉ có hiệu quả ở những nước có tỉ lệ mắc cao như Nhật Bản. Hệ thống sàng lọc của quốc gia giúp họ phát hiện hơn 50% các trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn sớm, từ đó mang hiệu quả điều trị cao. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, tỉ lệ mắc loại bênh này khá thấp, việc tầm soát trở nên tốn kém thiếu hiệu quả, cho dù khoảng 70% trương hợp nhập viện giai đoạn tiến triển. Tuy vậy trường hợp nguy cơ cao- liên quan đến hội chứng di truyền, thực quản Barret, viêm dạ dày vô toan… cũng nên được tầm soát định kỳ.

Hiện nay ung thư dạ dày được chia làm 2 loại: ung thư tâm vị và ung thư không thuộc tâm vị do có sự khác biệt rõ ràng về đặc điểm dịch tễ, bệnh học, điều trị và tiên lượng. Ung thư tâm vị thường gặp ở những khu vực có tỉ lệ ung thư dạ dày thấp, thường là hậu quả của trào ngược dạ dày mãn tính. Tỉ lệ này đang có chiều hướng gia tăng. Ung thư không thuộc tâm vị bao gồm thân vị bờ cong lớn, bờ cong nhỏ, hang vị và môn vị, thường gặp ở khu vực mắc tỉ lệ ung thư dạ dày cao, liên quan chặt chẽ đến tình trang nhiễm H. pylori mãn tính. Tiên lượng sống còn của ung thư tâm vị thường xấu hơn của ung thư không thuộc tâm vị.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày được điều trị tại các trung tâm chuyên khoa ung thư và bệnh viện đa khoa với phẫu thuật là mô thức điều trị đầu tay. Hóa trị là mô thức hỗ trợ chủ yếu, xạ trị ít được sử dụng.

Ung thư dạ dày là ung thư có tử suất cao và các phương pháp tầm soát cũng không có giá trị nhiều nên biện pháp kiểm soát bệnh tốt nhất là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như điều trị HP, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.