UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

"Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cũng như tinh thần của phụ nữ. Là loại ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới mà chị em thường gặp."

 

UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

 

"Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cũng như tinh thần của phụ nữ. Là loại ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới mà chị em thường gặp."

Theo cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC), tính chung trên toàn thế giới, ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp thứ hai ở phụ nữ chỉ sau ung thư vú nhưng là ung thư phụ khoa thường gặp nhất ở các nước đang phát triển. Xuất độ ung thư cổ tử cung thay đổi nhiều theo vùng, cao nhất ở khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, vùng Caribe, Nam Á, Đông Nam Á, thấp nhất ở Trung Đông, Do Thái, Ireland. Nhìn chung các nước đang phát triển có xuất độ ung thư cổ tử cung cao, các nước phát triển có xuất độ ung thư cổ tử cung thấp hơn.

 

 

Độ tuổi thường gặp nhất của ung thư cổ tử cung khoảng 40-60 tuổi.

Hiện nay, nhiễm virus sinh u nhú ở người (Human Papilloma Virus: HPV) được xem là nguyên nhân của ung thư cổ tử cung. Một nghiên cứu trên 932 mẫu mô ung thư cổ tử cung từ 22 quốc gia đã tìm thấy DNA của HPV trong 99,7% trong đó trên 70% nhiễm các type 16, 18. DNA của HPV gắn kết vào bộ gen của tế bào cổ tử cung bình thường làm bất hoạt gen p53, Rb là 2 gen đè nén bướu rất quan trọng gây gián đoạn cơ chế kiểm soát chu trình tế bào, dẫn đến ung thư.

Một số yếu tố thuận lợi gây ung thư cổ tử cung như: phụ nữ lập gia đình sớm, sinh đẻ nhiều, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người hay có bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người; thiếu vệ sinh cá nhân, vệ sinh sinh dục. Ngoài ra hút thuốc lá, thiếu vitamin C, nhiễm Herpes- Simplex virus (HSV), HIV cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.

Các tình huống phát hiện ung thư cổ tử cung được chia làm 3 tình huống. Phát hiện sớm thường trên lâm sàng không có triệu chứng gì đặc biệt, tuy nhiên có thể phát hiện những tổn thương này bằng các xét nghiệm tầm soát (xét nghiệm Pap). Tình huống thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo bất thường: xuất huyết giữa 2 kỳ kinh, xuất huyết sau khi giao hợp, xuất huyết âm đạo sau mãn kinh. Tính chất máu thường đỏ tươi, lượng ít hay vừa, nếu xuất huyết nhiều có thể có máu cục. Đây là tình huống có vẻ rất đơn giản nhưng có tầm quan trọng rất lớn. Ung thư cổ tử cung là loại thường gặp nên khi thấy triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường phải khám phụ khoa, đừng chần chờ. Một số là ra dịch âm đạo hay huyết trắng do bội nhiễm hay hoại tử bướu. Tình huống trễ là khi huyết trắng lẫn lộn huyết đỏ, hôi hám, đau bụng vùng dưới, chảy nước tiểu hoặc phân ra ngả âm đạo, biếng ăn, sụt cân…

 

 

 

Ung thư cổ tử cung diễn tiến lâu tại chỗ, tại vùng ít di căn xa nên mô thức điều trị  chủ yếu là phẫu trị và xạ trị dùng riêng lẻ hay phối hợp. Hóa trị dùng trong các trường hợp bệnh tiến xa, có di căn xa, tái phát.

Đa số các tái phát (80%) xảy ra trong vòng 2-3 năm đầu. Bướu có kích thước lớn thường tái phát sớm hơn bướu có kích thước nhỏ.

Các yếu tố ảnh hưởng tới tiên lượng sống còn của bệnh nhân: giai đoạn bênh, kích thước bướu và có di căn xâm nhiễm hay không. Vì vậy phòng ngừa và phát hiện sớm là rất cần thiết.

Phòng ngừa nguyên phát là tiêm ngừa. Các vaccine dự phòng nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung (type 16,18) đã được chứng minh gây đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn và hiệu qur cao, đặc biệt khi dùng ở người trẻ tuổi trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục.

 

 

Tuy nhiên do các type HPV 16, 18 chỉ là type chính chịu trách nhiệm gây ra khoảng trên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, phần còn lại do những type HPV khác gây ra nên tiêm ngừa không thể ngừa được hoàn toàn ung thư cổ tử cung. Dù có tiêm ngừa vẫn phải tham gia chương trình tầm soat và phát hiện sớm.

Tầm soát là biện pháp phòng ngừa thứ phát, giúp phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn chưa xâm lấn còn có thể điều trị rất hiệu quả. Do ung thư cổ tử cung có diễn tiến rất lâu trong biểu mô nên có nhiều cơ hội chẩn đoán sớm. Xét nghiệm Pap- phết mỏng tử cung âm đạo rất hiệu quả trong tầm soát ung thư cổ tử cung. Theo khuyến cáo tầm soát ung thư cổ tử cung 2012 của Hôi Ung thư Mỹ, Hội Sản Phụ khoa Mỹ cần thực hiện tầm soát cho:

Người đã quan hệ tình dục.

Từ 21-29 tuổi: xét nghiệm PAP mỗi 3 năm.

Từ 30-65 tuổi: xét nghiệm PAP mỗi 3 năm, xét nghiệm HPV mỗi 5 năm.Một số lưu ý về thời điểm khi làm xét nghiệm PAP:

Thời điểm tốt nhất làm xét nghiệm PAP là giữa 2 kỳ kinh vì lúc này cổ tử cung nhìn thấy rõ nhất. Các mẫu lấy thử khi có kinh có thể làm cho mẫu không thuận lợi trong chẩn đoán.

Thuốc diệt tinh trùng, các màng ngăn tránh thai, các thuốc bôi trơn có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, nên tránh quan hệ tình dục trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm PAP nếu có sử dụng các phương pháp này.